2019 là năm điện mặt trời tại Bình Thuận

Friday, July 5, 2019

Nhà máy Hàm Phú 2 và chuyện một thung lũng

BTO- Đường 714 từ huyện Hàm Thuận Bắc về xã Đa Mi, trên địa bàn thôn Phú Thắng xã Hàm Phú, có một con đường nhỏ rẻ trái dẫn vào một thung lũng nhỏ, ba mặt là núi, một mặt là rừng. Từ lâu lắm rồi đất trong thung lũng chỉ thích hợp với việc trồng rừng, chăn thả gia súc có sừng như dê, bò…. Thế nhưng, từ cuối năm 2018, khi vài đoàn người vào thung lũng khảo sát và sau đó là xe ủi đất mở đường rộng ra thì người dân trong vùng hớn hở báo tin nhau: quê họ sẽ có một nhà máy điện mặt trời ra đời. Đó là nhà máy điện mặt trời Hàm Phú 2, xây dựng trên diện tích 54,2 ha, có công suất 49 MW, hoàn thành, vận hành trong khoảng tháng 6 năm 2019. Những người sống gần đấy hy vọng: con em họ sẽ được thuê làm việc gì đó trong nhà máy… có điều kiện thay đổi cuộc sống, nhất là thôi nghề làm nông trên vùng đất không chủ động nước, khá đổi nhọc nhằn….

Dự án điện mặt trời Hồng Phong IA (xã Hồng Phong- Bắc Binh), đang chôn các trụ bê tông

Rộn ràng dự án điện

Có thể nói, những ngày này, chuyện thôn Phú Thắng, xã Hàm Phú cũng đang diễn ra nhiều nơi ở Bình Thuận. Tại xã Thuận Minh(Hàm Thuận Bắc), dự án điện mặt trời Thuận Minh 2, diện tích sử dụng 59 ha  đang vào giai đoạn khởi công; tại xã Hồng Phong và xã Phan Lâm(Bắc Bình), các dự án: Phan Lâm 2, Hồng Phong IA, IB, Hà Đô và Thiên Niên Kỷ... đang san lấp mặt bằng, đúc trụ bê tông chân móng bệ đỡ, lắp đặt dần thiết bị; tại Hàm Tân, dự án  điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1, diện tích 21,6 ha cũng đang khởi động…  Chưa kể, trước đó vào tháng 9 / 2018, đã khởi công nhà máy điện mặt trời tại Tuy Phong và tại xã Sông Luỹ (Bắc Bình). Có thể nói, đây là chuỗi nhà máy nằm trong 14 dự án được chấp thuận  chủ trương đầu tư, với tổng vốn : 20.700 tỷ đồng của Bình Thuận, trong tổng số 40  vị trí được quy hoạch cho điện mặt trời.

Thuận lợi và sự tác động của chính sách

Cách nói hình tượng của bài thơ “Quê hương mặt trời vàng” của nhà thơ Thu Bồn, một cách nào đó vận vào Bình Thuận không chỉ hôm nay mà còn mãi mai sau. Vùng đất này,  có tổng giờ nắng trong năm là 2728 giờ, cao  nhất trong nước. Số giờ nắng trung bình cũng cao hơn số giờ nắng ở phía Nam. Lượng bức xạ ổn định ở mức: 1961KWh/m2… Rất phù hợp với phát triển điện mặt trời.

Ngoài ra, xu hướng đầu tư điện mặt trời vào Bình Thuận cũng do ảnh hưởng của Quyết định 11/2011/QĐ-TTg Chính phủ mang lại… Trong đó, có điều khoản Tậđoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cótrách nhiệm mua toàn bộ điện từ dự án điện mặt trời với giá tương đương 9,35 UScent/kWh . Đây là mức giá giúp các nhà đầu tư có lãi đi kèm với các ưu đãi khác như thuế, đất đai.  Hai điều vừa nêu, đã thu hút các nhà đầu tư trong cả nước tìm đến Bình Thuận. Điển hình, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận tháng 4/ 2017, có nhiều “ông lớn” trong ngành điện như: Điện Lực Việt Nam, Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, liên doanh cổ phần năng lượng Dầu Khí Châu Á, công ty cổ phần Đức Long Gia Lai… ký thỏa thuận đầu tư điện mặt trời.

Nhà máy điện mặt trời Hàm Phú 2 đang trong quá trình lắp các giá đỡ tấm pin mặt trời

 Nước rút trước ngày 30/6/2019

Chúng tôi vừa thăm công trường xây dựng nhà máy điện mặt trời Hàm Phú 2, còn trước đó là thăm công trường của dự án Hồng Phong IA, IB  tại xã Hồng Phong. Theo đó, các công trình đều đang tập trung xây dựng. Nhà máy Hàm Phú 2; nhà máy Bình An (Bắc Bình) phấn đấu vận hành trước 30/6/2019; nhà máy Thuận Minh (Hàm Thuận Bắc) nỗ lực vận hành trong quý III 2019. Lý do để các nhà đầu tư gấp rút thi công là do  Quyết định 11, ngoài việc nêu rõ thời hạn hợđồng mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Tuy nhiên, quyết định trên chỉ có hiệu lực trong thời gian từ 1-6-2017 đến 30-6-2019. Sau thời gian nói trên, giá bán điện thương mại có thể cao hơn, điều này thì không nhà đầu tư nào muốn. Vì vậy mà họ tập trung xây dựng, vận hành nhà máy sớm. Đây là nguyên nhân để khẳng định: 2019 là năm điện mặt trời tại Bình Thuận.

Hà Thanh Tú